Cừ tràm là gì?? Hiểu một cách đơn giản, đóng cọc cừ tràm là biện pháp thi công nền móng cho các công trình có tải trọng nhỏ, công trình dưới 4 tầng và đặc biệt phù hợp với các công trình nhà ở trong ngõ hẻm hay các ngôi nhà nằm trên mạch nước ngầm, môi trường ẩm ướt. Phương pháp thi công này thường được ứng dụng phổ biến ở khu vực miền Nam và thay thế cho biện pháp thi công đóng cọc tre của người dân Miền Bắc
Theo các KTS xây dựng, cọc tràm thường được ưa chuộng sử dụng ở những vùng đất luôn luôn ẩm ướt, ngập nước nhằm vừa giúp đất liên kết chặt với nhau, giảm hệ số rỗng dẫn đến nâng cao sức chịu tải của đất nền một cách tốt nhất vừa giúp nâng cao tuổi thọ của cọc. Thực tế thì cách đóng cừ tràm chỉ nên đóng trong đất luôn ẩm ướt để tràm không bị mục nát, mối mọt, trường hợp đóng cọc cừ tràm trong đất khô không có nước thì cừ tràm sẽ rất nhanh bị mục nát và làm đất yếu đi.
* Ưu điểm của đóng cọc cừ tràm: Đóng cừ tràm sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều, do nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên từ đó tiết kiệm chi phí đầu tư khá hiệu quả. Biện pháp thi công đóng cừ tràm thường được lựa chọn sử dụng sau khi các biện pháp khác như ép cọc, đóng cọc nhồi không thể thực hiện và có thể đóng thủ công hoặc đóng trực tiếp bằng máy. Thêm vào đó, cọc tràm có thể có tuổi thọ trong vòng 60-70 năm trong điều kiện đất ẩm nước.
* Nhược điểm của đóng cừ tràm: thi công đóng cọc cừ tràm đòi hỏi đơn vị thi công, thiết kế phải có tay nghề cao, trình độ chuyên môn đủ để triển khai cao, để đảm bảo công trình không bị nghiêng sau khi xây dựng. Mặt khác, theo giới chuyên môn biện pháp thi công này có quy trình khá phức tạp, tỉ mỉ nên thời gian thi công nhiều hơn các phương pháp khác.
Ngoài ra việc khai thác cừ tràm ngày càng nhiều nên không dễ tìm được cọc theo yêu cầu kỹ thuật của công trình xây dựng đồng thời sử dụng cọc cừ tràm phải đào sâu 1,8 – 2,2m nên tránh làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận khác.
* Tiêu chuẩn thi công đóng cọc cừ tràm: cần lựa chọn cừ tràm thẳng và tươi có chiều dài 4 – 5m, đường kính gốc trung bình 10 – 12cm, đường ngọn 6 – 8cm và phải đóng với mật độ 16 – 25 cây/m² thì sức chịu tải của đất mới đạt 0,6 – 0,9 kg/cm² là tốt nhất.
- Về độ sâu, nên đặt vị trí của cừ tràm ở vị trí cao hơn mạch nước ngầm và đất vẫn ẩm ướt, có độ bão hòa cao, để đảm bảo đủ độ ẩm để đầu cừ tràm không bị khô, không bị mục.
- Sau khi đóng cọc cừ tràm xong nên tiến hành tạo lớp lót bằng bê tông đá theo tỉ lệ 1-2 và đổ trực tiếp trên đầu cừ để tạo liên kết thành một khối chắc chắn, sau đó tiếp tục thi công phần tiếp theo.
- Đặc biệt không nên lấy cát phủ lên đầu cừ sau khi đóng.
- Về trình tự thi công đóng cọc cừ tràm nên đóng theo nguyên tác đinh ốc tức là thực hiện từ ngoài vào trong, từ xa về gần, lớn đóng trước, nhỏ đóng sau, đóng cọc cừ tràm xuống phải thẳng, không gẫy, dập, cong vênh để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Trong trường hợp là dải cọc hoặc hàng cọc thì nên đóng theo hàng tuần tự, còn đối với cọc cừ kè vách hố đào thì đóng từ hàng cọc xa mép hố đào nhất trở vào.